Tiềm năng phát triển dược liệu Việt Nam

Trong việc kết hợp y học cổ truyền dân tộc với y học hiện đại, công tác chế biến dược liệu và hướng dẫn sử dụng dược liệu theo phương pháp y học cổ truyền có vai trò quan trọng. Đảng và chính sách của Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu, cụ thể như quyết định số 2166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động của chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, cho mục tiêu hiện đại hóa và phát triển mạnh y dược cổ truyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, củng cố và phát triển tổ chức mạng lưới y, Dược cổ truyền. Đến năm 2013 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra quyết định số 1976/QĐ-TTg cho việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bộ Y tế ra quyết định số 206/QĐ-BYT ngày 22 tháng 01 năm 2015 về việc ban hành danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển giai đoạn 2015-2020. Ngoài ra Chính phủ còn tổ chức các hội nghị về phát triển dược liệu Việt Nam như: ngày 12 tháng 04 năm 2017 Chính phủ đã có cuộc hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Tại hội nghị theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế về thực trạng công tác dược liệu, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng to lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á cũng như toàn thế giới. Theo kết quả điều tra năm 2016, Việt Nam trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu như: quế, hồi, hoè, nghệ, atiso…Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu cũng rất lớn. Cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) công lập, hệ thống bệnh viện có khoa YHCT hoặc tổ YHCT và gần 7.000 cơ sở hành nghề YHCT; có 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, trong đó 131 cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp sử dụng trên 300 loại dược liệu khác nhau; 1.440 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu sử dụng dược liệu 20.000 tấn/năm. Nhu cầu sử dụng dược liệu ước tính khoảng 60-80 nghìn tấn/năm, trong đó phần lớn sử dụng cho sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Với nhu cầu và thị trường tiềm năng phát triển dược liệu, nhiều tỉnh thành cũng đã có những chính sách, kế hoạch cho trồng và phát triển dược liệu, tuy nhiên số lượng đáp ứng nhu cầu thị trường chỉ 10%. Do vậy mà việc nhập khẩu dược liệu vào nước ta cũng phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê tại hội thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035 cho thấy 90% nguyên liệu sản xuất trong ngành dược cả tân dược và đông dược hiện đều phải nhập khẩu.

 

Cám ơn sự quan tâm của bạn đọc, để ủng hộ tác giả viết thêm nhiều bài hay, vui lòng chia sẻ lên facebook ở cuối trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *